Ngân hàng chỉ có quyền thu giữ tài sản đảm bảo đối với các khoản nợ xấu phát sinh trước ngày 15/08/2017!

Thu giữ tài sản bảo đảm đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý tài sản bảo đảm nói riêng và xử lý nợ xấu nói chung. Tuy nhiên, quy định pháp luật về việc này trong thời gian qua “xoay như chong chóng” và đang có nguy cơ vô hiệu hoá quyền thu giữ tài sản bảo đảm. ( Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO)

Từ không được thu giữ

Trước ngày 27/1/2007, bên nhận bảo đảm không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm, vì pháp luật chưa có quy định về vấn đề này.

Hai Bộ luật Dân sự năm 1995 và 2005 cũng như Nghị định số 165/1999/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 178/1999/NĐ-CP về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng trước kia đều quy định theo hướng, bên giữ tài sản có nghĩa vụ giao tài sản cho bên nhận bảo đảm để xử lý, nhưng không quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm.

Do không có công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ chủ nợ có bảo đảm trong trường hợp con nợ (hay còn gọi là khách nợ) không hợp tác trong việc xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm, nên đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các chủ nợ nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng.

… Đến được quyền thu giữ

Từ ngày 27/1/2007 đến hết ngày 31/12/2016, bên nhận bảo đảm nói chung, tổ chức tín dụng nói riêng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.

Điều 63, Nghị định 163 quy định, bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý hoặc yêu cầu Toà án giải quyết.

Theo đó, bên nhận bảo đảm có quyền bắt buộc, gây sức ép đối với bên đang giữ phải giao tài sản, đồng thời có quyền đề nghị Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm hỗ trợ để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong việc thu giữ tài sản bảo đảm.

Nghị định số 163 chỉ quy định 2 điều kiện để tiến hành việc thu giữ tài sản bảo đảm là: Thông báo trước cho người giữ tài sản về việc áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong một thời hạn hợp lý và không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.

Rồi lại thu hồi quyền

Từ ngày 1/1/2017 trở đi, bên nhận bảo đảm nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng không còn quyền thu giữ tài sản bảo đảm, vì kể từ khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực, thì Nghị định số 163/2006/NĐ-CP cũng hết hiệu lực.

Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn quy định, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý theo quy định (Khoản 5, Điều 323).

Nếu như người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Toà án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác (Điều 301).

Như vậy, bên nhận bảo đảm không còn quyền thu giữ tài sản bảo đảm như quy định trước đây.

Khôi phục quyền cũng như không

Từ ngày 15/8/2017 trở đi, riêng các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 15/8/2017 theo quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Khoản 1, Điều 7, Nghị quyết số 42 quy định, bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc trong văn bản khác và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng để xử lý thì tổ chức tín dụng được thu giữ tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 7, Nghị quyết số 42 quy định, tổ chức tín dụng phải đáp ứng được đầy đủ 5 điều kiện thì mới có quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Trong đó, điều kiện thứ hai là “Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, nếu trước đây, các tổ chức tín dụng đương nhiên được quyền thu giữ tài sản bảo đảm, thì đến nay hầu như không có quyền này, vì gần như 100% hợp đồng bảo đảm được quyền thu giữ tài sản theo Nghị quyết 42 chỉ có thoả thuận về quyền xử lý tài sản bảo đảm, mà không có thoả thuận về quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Ngoài ra, điều kiện thứ ba của Nghị quyết 42 là “Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật” cũng dẫn đến việc loại bỏ quyền thu giữ tài sản bảo đảm mà trước đây đương nhiên có quyền thu giữ (như tài sản cầm cố, tài sản thế chấp mà pháp luật không bắt buộc phải đăng ký thế chấp).

Để tạo điều kiện xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, cần phải có hướng dẫn mở hơn, thậm chí sửa đổi 2 nội dụng trên của Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Trung tâm giải pháp Hello 3S

(Nguồn: tinnhanhck)

Leave a Reply