Xử lý yếu huyệt thứ hai của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Thực tế, yếu huyệt này đã khiến một số ngân hàng lung lay và Ngân hàng Nhà nước đặt yêu cầu tiếp tục xử lý.

Theo tập hợp từ nguồn tin của BizLIVE, cập nhật mới nhất đến cuối tháng 2/2019, tổng quy mô các khoản lãi phải thu, dự thu của toàn hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam vào khoảng 179.000 tỷ đồng.

Quy mô trên ước tính tiếp tục tăng thêm khoảng 5.300 tỷ đồng so với kỳ cập nhật một năm trước.

Âm thầm tích tụ rủi ro

Tương tự như tăng trưởng tín dụng, do các khoản vay lớn nhỏ có thể đáo hạn hoặc phát sinh mới hàng ngày, nên dữ liệu tập hợp mang tính tương đối. Dù vậy, con số ước tính trên cho thấy một mức độ khá lớn.

Theo dõi việc điều hành chính sách tiền tệ cũng như hoạt động quản lý, giám sát an toàn hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam gần hai thập kỷ qua, ở thông tin công bố chính thức, lãi dự thu ít được đề cập đến như một khó khăn, tồn tại và thử thách thực sự của hệ thống, dù chỉ nằm ở một bộ phận các thành viên.

Thậm chí trong giai đoạn cao điểm tái cơ cấu và xử lý nợ xấu 2011 – 2015, vấn đề kiểm soát chất lượng và xử lý tình hình lãi dự thu của hệ thống cũng khá mờ nhạt. Thay vào đó, thị trường chú ý hơn vào mức độ hai chữ số của nợ xấu.

Nợ xấu từ cuối 2011 bắt đầu được xác định một cách sát thực hơn, nhận diện đầy đủ hơn. Và nó trở thành yếu huyệt thứ nhất đối với hệ thống, bao trùm hầu hết các thành viên. Đến nay, yếu huyệt này đã và đang từng bước được xử lý.

Nhưng, quan sát tín hiệu và thông điệp điều hành, phải đến năm 2017, với Chỉ thị số 06 ban hành ngày 20/7, Thống đốc Lê Minh Hưng mới chính thức đặt ra việc nhận diện vấn đề lãi dự thu, với mục đích xác định rủi ro tiềm ẩn ở một yếu huyệt khác của hệ thống.

Cụ thể, Chỉ thị 06 yêu cầu các tổ chức tín dụng phải định kỳ rà soát, thống kê chi tiết về các khoản lãi dự thu thuộc diện phải xử lý trong kế hoạch chung tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Có thể nói, sau những biểu hiện cũng như âm thầm tích tụ rủi ro từ nhiều năm trước, lần đầu tiên vấn đề lãi dự thu mới được đặt ra một cách rõ ràng về định hướng thông tin điều hành, xác định một cách chi tiết về thống kê như trên để định hướng xử lý.

Một mặt, sau giai đoạn đầu thực hiện tái cơ cấu, rủi ro nợ xấu từng bước được xoa dịu, cơ quan quản lý tiếp tục hướng tới việc tập trung xác định và xử lý rủi ro ở yếu huyệt thứ hai để hướng tới một hệ thống an toàn, vững mạnh hơn.

Mặt khác, hệ thống bắt đầu thực hiện một cơ chế hỗ trợ quan trọng là Nghị quyết 42 của Quốc hội, có thêm điều kiện và khung pháp lý để thúc đẩy.

Cuối tháng 3 vừa qua, một lần nữa định hướng tập trung xác định và xử lý chất lượng lãi dự thu được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh ở văn bản số 1968/NHNN-TTGSNH.

Văn bản trên yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, Thống đốc yêu cầu thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt các khoản lãi có dự thu lớn để kịp thời thoái lãi thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi; thực hiện thoái các khoản thu lãi dự thu theo quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Chờ những lát cắt quyết liệt

Như trên, với khoảng 179.000 tỷ đồng tổng lãi dự thu, các khoản phải thu toàn hệ thống là một quy mô lớn, nhưng trong đó chỉ có một cấu phần nhất định tiềm ẩn rủi ro mà có cách nói xem như một cầu dẫn sang nợ xấu.

Thu hẹp phạm vi nữa, trong số đó chỉ khoảng 129.000 tỷ đồng lãi phải thu từ hoạt động tín dụng (tăng khoảng 5.800 tỷ đồng so với một năm trước), trọng số rơi vào một số thành viên.

Về lý thuyết, lãi dự thu là những khoản mục trên báo cáo tài chính các ngân hàng thương mại, hạch toán theo quy định của Bộ Tài chính. Nó mang tính chuyên ngành và gắn cụ thể với tình hình hoạt động của một tổ chức tín dụng.

Còn nói một cách đại chúng, một chuyên gia tài chính từng ví von rằng, lãi dự thu như những cánh đồng của mỗi nhà băng vậy.

Trên những cánh đồng ấy, mỗi ngân hàng thương mại đều ước định cụ thể năng suất sẽ thu hoạch, gọi là dự thu. Mỗi vụ mùa dự tính đạt năng suất bình quân 50 tạ/ha. Một nhà có 10ha, mỗi vụ tới dự thu về 500 tạ.

Thế nhưng, qua vụ này đến mùa khác, lượng thóc gánh về để trước sân chỉ 300 – 400 tạ mỗi vụ, thậm chí ngày càng hụt đi, trong khi họ vẫn bấm đốt tay tính 10 ha có 500 tạ thóc.

Vậy thì, trên những cánh đồng đó, hẳn có những khoảnh ruộng xấu, đất phèn chua đi, bị hoang hóa, hoặc không đảm bảo chất lượng gieo trồng, khiến tỷ lệ thóc lép không thành thóc thật qua mùa này đến vụ khác. Tức là có vấn đề.

Hình ảnh trên cũng dễ thấy ở thực tế một số ngân hàng thương mại. Đơn cử như trước đây, tại Southern Bank, các khoản mục lãi và phí phải thu, các khoản phải thu… cứ tích tụ hàng chục nghìn tỷ đồng hết kỳ này đến kỳ khác. Và cuối cùng, khi sáp nhập vào Sacombank, chúng trở thành gánh nặng lớn níu chân, mà cơ chế phải xem xét thoái từng bước trong nhiều năm…

Tương tự, không khó để thấy đến thời điểm này vẫn còn một số ngân hàng thương mại tích tụ lượng lớn lãi dự thu và các khoản phải thu nhiều quý, nhiều năm qua trên báo cáo tài chính mà lợi nhuận không mấy cải thiện, dù nợ xấu vẫn báo cáo những con số “đẹp”.

Như trên, tình trạng tích tụ rủi ro ở một bộ phận tại lãi dự thu có thể xem là yếu huyệt thứ hai của hệ thống. Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng bước đặt ra, xác định và yêu cầu tập trung xử lý.

Và cuối năm 2018 vừa qua, thị trường đã chứng kiến “một lát cắt dũng cảm” tại VietinBank. Trên báo cáo tài chính chốt năm 2018, các khoản lãi, phí phải thu của ngân hàng này đã giảm rất mạnh, từ 14.524 tỷ đồng cuối 2017 xuống chỉ còn hơn 6.900 tỷ đồng.

Lát cắt đó từng được VietinBank giải thích, liên quan đến việc quyết liệt thoái lãi dự thu, cân đối lại sổ sách trước thềm chuẩn bị thực hiện các chuẩn mực Basel 2.

Đó là trường hợp nổi bật nhất. Thị trường chờ đợi những lát cắt tiếp theo ở một số thành viên khác. Nhưng, vấn đề là thể trạng những trường hợp đó có đủ sức để chịu được lát cắt quyết liệt như VietinBank vừa làm được?

Trung tâm Giải pháp Hello3s

(Nguồn : Bizlive)

Leave a Reply