Có được phép trừ lương nhân viên đi làm trễ không?

Ngày 01/12/2021,

Kính thưa luật sư, tại công ty tôi ,mỗi lần nhân viên đi làm trễ sẽ bị phòng nhân sự ghi nhận và sau đó tiến hành trừ vào tiền lương thực nhận mỗi tháng. Xin hỏi luật sư là công ty có được phép trừ lương khi đi làm trễ không? Nếu công ty cố tình trừ lương nhân viên đi làm trễ thì công ty có bị phạt gì không? Cảm ơn luật sư (Quận 6, TP.HCM)

TRẢ LỜI:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận tư vấn của Trung tâm giải pháp Hello 3S.
Căn cứ vào những thông tin quý khách cung cấp cho chúng tôi qua form Liên hệ tại wesite hello3s.com, nội dung câu hỏi của bạn đã được chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau :

1.Thứ nhất : Có được phép trừ lương nhân viên đi làm trễ không?

Theo Điều 117 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019, có hiệu lực từ 01/01/2021, kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.

Người lao động có nghĩa vụ chấp hành nội quy lao động do người sử dụng lao động ban hành, trong đó có nội dung về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

Trường hợp người lao động tự ý đi trễ, về sớm tức là vi phạm nội quy lao động, do đó, doanh nghiệp hoàn toàn có thể áp dụng các hình thức kỷ luật lao động như khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương… nhưng không được trừ lương của người lao động. Bởi đây là hành vi bị cấm tại khoản 2 Điều 127 Bộ luật lao động 2019.

Cụ thể, điều 127 Bộ luật lao động 2019. Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động :

1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.

2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.

Như vậy, dù người lao động đi làm trễ đã vi phạm nội quy lao động nhưng công ty không được phép trừ lương để thay thế cho các hình thức xử lý kỷ luật lao động khác.

2. Thứ hai: Công ty có bị phạt khi trừ lương nhân viên đi làm muộn không?

Như đã đề cập ở trên, người sử dụng lao động không được phép trừ lương lương người lao động đi làm trễ để thay cho việc xử lý kỷ luật lao động. Nếu cố tình vi phạm, công ty sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm b khoản 3 Điều 18 Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng khi có hành vi dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;

Như vậy, công ty trừ lương nhân viên đi làm muộn có thể bị phạt tiền lên đến 15 triệu đồng. Cùng với đó, người sử dụng lao động còn phải trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động (căn cứ vào Biện pháp khắc phục hậu quả tại điểm b khoản 4 Điều 18 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi đối với câu hỏi của bạn.
Trân trọng.

Trung tâm Giải pháp Hello 3S

Leave a Reply