Làm thế nào để rút sổ tiết kiệm ngân hàng của người thân đã mất ?

Ngày 12/09/2021,

Câu hỏi: Cô của em có gửi sổ tiết kiệm ở ngân hàng nhưng đột ngột mất nên không để lại di chúc, thừa kế gì cả. Em nghe nói phải đi kê khai di sản thừa kế mới được rút tiền, cũng có người khuyên là đến ngân hàng có thể giải quyết không cần khai di sản thừa kế. Em mong luật sư có thể hướng dẫn giúp em. Trân trọng cảm ơn. (Bình Dương).

TRẢ LỜI:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận tư vấn của Trung tâm giải pháp Hello 3S.
Căn cứ vào những thông tin quý khách cung cấp cho chúng tôi qua form Liên hệ tại wesite hello3s.com, nội dung câu hỏi của bạn đã được chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau :

Thừa kế là một trong những chế định quan trọng được pháp luật dân sự Việt Nam ghi nhận qua các thời kỳ nhằm đảm bảo chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản từ người chết cho người thừa kế của họ và Bộ luật Dân sự 2015 có quy định rất cụ thể về vấn đề này. Đối với trường hợp tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng, trên thực tế có một số ít trường hợp do số tiền gửi tiết kiệm giá trị thấp và chi nhánh ngân hàng hiểu rõ hoàn cảnh của khách hàng… mà các chi nhánh ngân hàng có thể giải quyết linh động cho khách hàng mà không phải qua bước kê khai di sản thừa kế. Trong khi đó, hầu hết các trường hợp, các chi nhánh ngân hàng đều yêu cầu khách hàng phải thực hiện thủ tục công chứng kê khai di sản thừa kế theo đúng quy định của pháp luật trước khi đến ngân hàng rút tiết kiệm thì bạn có thể tham khảo trình tự như sau :

Thứ nhất, vấn đề thừa kế theo pháp luật

Theo quy định tại Điều 612 Bộ Luật Dân sự năm 2015: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Cô của bạn là chủ sở hữu khoản tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng nên sau khi qua đời, số tiền trong sổ tiết kiệm đó được hiểu là di sản thừa kế.

Vì cô của bạn chết mà không để lại di chúc nên phần di sản sẽ được thừa kế theo pháp luật theo Điều 651 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản

Như  vây, bạn thuộc hàng thừa kế thứ ba thì bạn chỉ được nhận thừa kế nếu hàng thừa kế thứ nhất và thứ hai không còn ai do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Thứ hai, thủ tục để rút sổ tiết kiệm trong ngân hàng

Luật Công chứng 2014 quy định có hai hình thức để nhận di sản thừa kế là:

Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (theo khoản 1 Điều 57 “Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.);

Khai nhận di sản thừa kế (theo khoản 1 Điều 58 “Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản).

Theo khoản 4 Điều 57 Luật công chứng 2014Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.’

Những người đủ điều kiện thừa kế sổ tiết kiệm này cần phải tiến hành các bước sau:

  • Công chứng văn bản khai nhận di sản hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

  • Nộp một bộ hồ sơ yêu cầu công chứng tại tổ chức công chứng. Hồ sơ yêu cầu công chứng gồm các giấy tờ sau đây:

  • Phiếu yêu cầu công chứng khai nhận/thỏa thuận phân chia di sản theo mẫu;

  • Dự thảo văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia di sản (nếu có);

  • Bản sao giấy tờ tuỳ thân chứng minh quan hệ giữa người để lai di sản và người được hưởng di sản

  • Bản sao giấy tờ về tài sản: sổ tiết kiệm …;

  • Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến sổ tiết kiệm.

  • Bản sao như nêu trên là bản chụp, bản in, bản đánh máy hoặc bản đánh máy vi tính nhưng phải có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải có chứng thực. Khi nộp bản sao thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.

  • Những người đồng thừa kế lập và ký văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia di sản; hoặc có thể nhờ cơ quan công chứng soạn thảo theo mẫu. .

Sau khi có văn bản khai nhận và văn bản tặng cho di sản đã công chứng, những đồng thừa kế có thể ủy quyền cho một đồng thừa kế khác thực hiện việc đăng ký sang tên tại cơ quan nhà nước thẩm quyền. Với sổ tiết kiệm này thì những người thừa kế của cô bạn sau khi có văn bản chứng thực được tặng cho thì tới Ngân hàng, nơi có tài khoản tiết kiệm đó để rút tiền hoặc chuyển tên chủ tài khoản sang tên mình.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi đối với câu hỏi của bạn.
Trân trọng.

Trung tâm Giải pháp Hello 3S

Leave a Reply