Đưa thông tin của người khác lên mạng có vi phạm pháp luật không?

Kính thưa luật sư,tôi và hàng xóm vốn không thuận nhau. Gần đây, hàng xóm tự ý chụp ảnh nhà tôi và đưa lên mạng xã hội các hoạt động của tôi. Như vậy, họ có vi phạm pháp luật không và tôi có thể tố cáo họ không? Cảm ơn luật sư rất nhiều.(Đức Hòa, Long An).

TRẢ LỜI:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận tư vấn của Trung tâm giải pháp Hello 3S.
Căn cứ vào những thông tin quý khách cung cấp cho chúng tôi qua form Liên hệ tại wesite hello3s.com, nội dung câu hỏi của bạn đã được chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau :

Căn cứ theo điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Theo căn cứ trên thì khi sử dụng hình ảnh của người khác thì cần phải được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp sau:
– Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
– Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Do đó nếu chứng minh được việc sử dụng hình ảnh của bạn đăng lên mạng xã hội vì lợi ích công cộng, hoặc vì những lý do khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bạn thì hành vi của hàng xóm sẽ không vi phạm pháp luật. Nếu ngoại trừ các lý do trên thì người bị sử dụng hình ảnh có quyền khởi kiện ra Tòa án hoặc có thể làm đơn tố giác cá nhân, tập thể có hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân trái phép đến công an địa phương.

Về mức xử phạt:
Trường hợp 1: Hành vi này gây hậu quả không nghiêm trọng: Chỉ Bị xử phạt hành chính
Điểm g, Khoản 3, điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định:
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây
g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;
Theo căn cứ trên thì nếu hành vi của hàng xóm không gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hậu quả ít nghiêm trọng thì chỉ bị xử phạt hành chính trong khoảng từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng. Nếu không có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì mức xử phạt là mức trung bình của khung hình phạt là 15.000.000 đồng.
Trường hợp 2: Hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng: Bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo căn cứ trên nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì tùy vào mức độ gây thiệt hại thì hình phạt nhẹ nhất là phạt cảnh cáo, nặng nhất là phạt tù 5 năm.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi đối với câu hỏi của bạn.
Trân trọng.

Trung tâm Giải pháp Hello 3S

Leave a Reply