Vì sao tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính tăng lên 9-10% sau giãn cách xã hội và giải pháp khắc phục?

Tỷ lệ nợ xấu bình quân tại các công ty tài chính đã lên tới 9-10%, trong khi tỷ lệ này vào thời điểm cuối năm 2020 đạt khoảng 6% và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.

Thông tin tại Hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm của nhóm các công ty tài chính hội viên tổ chức mới đây, Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tổng vốn điều lệ của các công ty tài chính hội viên đạt 22.195 tỷ, tăng trên 21% so với cuối năm 2020 và chiếm khoảng gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính, trong đó công ty đứng đầu về vốn điều lệ là FE Credit (10,928 tỷ).

Tổng tài sản các công ty tài chính hội viên tính đến cuối tháng 9/2021 đạt khoảng 151.000 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng 2% so với cuối năm 2020; Tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020.

Đặc biệt, cơ quan này cho biết, tỷ lệ nợ xấu bình quân đã lên tới 9-10% trong khi tỷ lệ này vào thời điểm cuối năm 2020 đạt khoảng 6% và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.

Đại diện các công ty cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, đặc biệt từ quý 2 đến quý 3/2021, dịch COVID -19 bùng phát lần thứ 4 đã có khoảng 20 tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Việc giãn cách trong thời gian dài đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ các hoạt động của nền kinh tế. Hoạt động của các công ty tài chính là một trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.

Nhiều khách hàng là F1, F0 hoặc ở trong khu vực giãn cách không thể giao tiếp được với các công ty để làm các thủ tục theo quy định, đa phần các điểm giới thiệu dịch vụ đều phải duy trì số lượng tối thiểu cán bộ nhân viên (làm việc luân phiên hoặc 3 tại chỗ) hoặc tạm thời đóng cửa, dẫn đến khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng để giới thiệu sản phẩm cũng như thu phí dịch vụ, thu nợ, xử lý nợ xấu,…

Những yếu tố này vừa tác động lớn đến doanh số giải ngân và thu nợ dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm.

Theo đó, các thành viên đưa ra nhiều đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh khung pháp lý, tháo gỡ vướng mắc cho công ty tài chính trong hoạt động cho vay tiêu dùng.

Trong đó, các thành viên đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng cơ chế tăng trưởng linh động, không áp trần tăng trưởng tín dụng, hoặc nới lỏng room tín dụng đối với các công ty tài chính sau khi nền kinh tế đã kiểm soát được dịch bệnh COVID nhằm hỗ trợ các công ty trong công tác cung ứng vốn cho người dân phục hồi việc kinh doanh hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, có cơ chế hỗ trợ vốn cho khối tài chính tiêu dùng để các công ty tài chính có thể giảm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Trung tâm Giải pháp Hello 3S

(Nguồn : Bizlive)

Gửi phản hồi